Chủ Nhật, 2 tháng 11, 2014

CSGT đặc biệt nhất Hà Nội nghỉ hưu: Tiếc nuối một sự tử tế

Phùng Bình/ Gia đình.net 
Ảnh bên: Thượng tá CSGT khóc ở ca trực cuối cùng. (Ảnh Định Nguyễn)

Có lẽ chưa bao giờ một chiến sĩ cảnh sát giao thông về hưu lại nhận được nhiều lời hay, ý đẹp từ báo chí và những lời chúc xúc động từ cộng đồng, từ mạng xã hội như thế.

Hôm qua, ngày 31/10, Thượng tá Lê Đức Đoàn, Chiến sĩ Cảnh sát giao thông thuộc Đội 1, Phòng CSGT Hà Nội về hưu. Một sự việc rất bình thường trong những việc bình thường nhưng vì sao lại tràn ngập những dòng trạng thái trên mạng xã hội, hay nhiều bài báo viết về ông như vậy?

Một người tử tế

Nhớ cách đây tròn 4 năm, lúc đó tôi muốn viết về ông, người chiến sĩ cảnh sát giao thông “có duyên” cứu người trên cầu Chương Dương (ông đã cứu hàng chục trường hợp tự tử trên cây cầu này). Chưa từng tiếp xúc, chưa từng nghe về ông, nhưng sau vài ba phút gặp gỡ, trao đổi rồi chứng kiến cảnh ông điều tiết giao thông ở phía nam cầu Chương Dương, tôi thấy “rất lạ” và rất có thiện cảm.
Những người mà ông không quen biết nhắn tin, gọi điện chúc mừng và cảm thấy tiếc nuối khi nghe tin ông về hưu
Những người mà ông không quen biết nhắn tin, gọi điện chúc mừng và cảm thấy tiếc nuối khi nghe tin ông về hưu

Làm báo, tôi được đi nhiều nơi, có “va chạm” với nhiều chiến sĩ CSGT ở nhiều tỉnh, thành, nhưng chưa bao giờ tôi ấn tượng với một người nào như thế. Đầu tiên là cảnh các bác tài xế xe buýt, xe con, hay xe biển xanh, biển đỏ… vẫy tay chào ông. Những câu “hôm nay bố trực à”, rồi “thầy vẫn khỏe chứ”… tôi cảm nhận được sự thân thiện giữa người qua lại giữa phố xá đông đúc với một người chiến sĩ CSGT đã luống tuổi. Những điều này, có thể ai đó nghĩ ông đang “thiếu nghiêm túc” trong khi thi hành nhiệm vụ, nhưng với tôi, chắc ông phải sống thế nào, làm việc thế nào thì họ mới yêu quý đến mức “bình dân” với CSGT như vậy.

Tôi đồng ý quan điểm rằng, vi phạm pháp luật là phải xử phạt. Trong lĩnh vực giao thông cũng thế, tùy lỗi vi phạm mà xử lý nhưng tôi thích cách xử lý của ông: Nhắc nhở nhẹ nhàng rồi cho đi, kèm với đó là những lời dặn dò chân tình, đầy trách nhiệm và nụ cười thân thiện.

Một comment trên FB: " Bác Đoàn rất vui vẻ. Có lần em đi qua nhìn thấy bác ấy, mặc dù không biết em là ai nhưng cũng dơ tay chào và nở nụ cười rất tươi, làm em đơ 3" rồi cũng vẫy tay chào lại bác ấy. Giá mấy anh xxx nào cũng có tác phong và thân thiện như bác Đoàn thì ai cũng yêu"
 Cũng trong những ngày qua, “cơn bão” ý kiến và chia sẻ những bài viết về ông được nghỉ hưu trên mạng xã hội quá nhiều. Chính tính riêng ở group otofun (một trong những fanpage có gần 50 nghìn thành viên) đã có hàng chục status (trạng thái) và hàng nghìn comment (phản hồi) nói về ông.

Tôi cũng không có thời gian để theo dõi hết, nhưng những dòng trạng thái tượng tự như thế này thì nhiều lắm: “Có lần đi qua cầu Chương Dương giữa trưa nắng, thấy bác điều tiết giao thông tự nhiên giơ tay chào với nụ cười thân thiện mặc dù tôi và bác chẳng quen biết nhau. Tôi bị đơ 3 giây mới vẫy tay chào lại vì tưởng bác vẫy ai nhưng nhìn lại trên cầu làn đường tôi đi không có xe nào cả. Lúc đi qua lòng cứ thấy lâng lâng. Lần nào qua cầu tôi cũng hướng mắt nhìn xem có thấy bác không. Chúc bác Đoàn sức khỏe và hạnh phúc!”.

Tôi không muốn quy chụp, nhưng thử hỏi, bao nhiêu người làm được như thế? Ra đường, ngồi trên xe máy, hay ô tô, tôi hiểu cảm giác những người tài xế luôn có một điều gì đó “gờn gợn” khi gặp CSGT. Nhưng với ông, có lẽ với người đã từng gặp, hay được gặp một lần, chắc sẽ có suy nghĩ rất khác.

Hôm qua đọc tin ông có quyết định về hưu, tự thấy một điều gì đó tiếc nuối. Từ bệnh viện 108 về, tôi nhìn về một quán bia ven đường, nơi tôi với ông từng nâng cốc chúc sức khỏe, rồi kể chuyện chuyện đời, chuyện nghề của 4 năm về trước. Tôi không đi đường thẳng mà cố vòng lên cầu Chương Dương, nơi mà mấy mươi năm qua ông đã đứng điều tiết giao thông ở đó. Dừng xe, tôi bấm máy gọi, ông bảo, “Hôm nay chú về hưu rồi, cháu đi qua đó không có chú, có nhớ chú không?”. Giọng ông nghèn nghẹn, tôi biết, ông đang nhớ nghề, đang xúc động. Rồi ông bảo, “hôm nay có rất nhiều người gọi điện rồi nhắn tin hỏi thăm và chúc mừng chú về hưu, quen cũng lắm mà lạ cũng nhiều”. Có lẽ hơn ba mươi năm công tác, lúc về hưu, những điều đó cũng làm ông cảm thấy vui lòng.

Cũng hôm qua, cũng có nhiều tờ báo đưa tin người này, người kia về hưu. Nhưng thử hỏi, có ai được báo chí, cộng đồng mạng và nhiều người ưu ái dành những lời hay, ý đẹp, những câu chúc đầy xúc động như ông hay không?

Từ hôm nay, chốt CSGT ở phía nam cầu Chương Dương vắng bóng ông. Dòng người tấp nập đi qua đây, chắc sẽ không còn thấy một “người bố, người thầy” với cái vẫy tay chào đầy gần gũi và nụ cười thân thiện nữa. Và không biết, khi bị vi phạm giao thông ở điểm này, liệu ai đó có được một người CSGT chặn lại, dặn dò đầy trách nhiệm rồi “đi đi cho kịp công việc, kẻo muộn” không?

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ