Chủ Nhật, 2 tháng 11, 2014

“Lạm phát cấp phó”, dân đóng thuế nuôi sao nổi?

Bùi Hoàng Tám/ Dân trí
NQL: Lương cấp phó đã lớn, còn lậu cấp phó? bao nhiêu lậu cho mỗi ông cấp phó phát sinh? Có trời mà biết được!

 “Lạm phát cấp phó” là cụm từ được Đại biểu, Thiếu tướng Trần Đình Nhã (Thừa Thiên – Huế) dùng trong phiên thảo luận về thực hiện ngân sách 2014 và dự toán, phân bổ 2015 ngày 31/10 vừa qua được đăng tải cùng ngày trên báo Đầu tư Chứng khoán.

Tại bài “Đại biểu Quốc hội cảnh báo tình trang “lạm phát cấp phó”, Thiếu tướng Nhã cho biết “theo thống kê chưa đầy đủ cả nước có 139.000 cơ quan hành chính sự nghiệp. Tính ra có khoảng 139.000 cấp trưởng và gấp 2 – 3 – 4 lần cấp phó, có cơ quan có 5 - 6, 7 - 8 cấp phó.

Có cơ quan cấp cục có 4 phòng, tương ứng có 4 trưởng phòng lại bố trí những 4 cục phó, có lẽ thừa cục phó hoặc thừa 4 trưởng phòng. Cùng với số lượng cấp phó, chi ngân sách tăng lên. Cứ tính mỗi cấp phó hàng năm ngân sách chi thêm khoảng 30 triệu đồng phụ cấp chức vụ, diện tích phòng làm việc, điện, nước… thì chỉ với 139.000 cấp phó đã phải chi hơn 4.000 tỷ đồng.
 
Nếu số lượng cấp phó gấp 2, 3, 4 thì chi còn gấp nhiều lần nữa”.

Có lẽ con số gấp 2.3.4 lần ĐB Nhã sử dụng không cần phải thêm chữ “nếu” bởi tình trạng “lạm phát” này là có thật, đã diễn ra từ rất lâu rồi. Nên số tiền mỗi năm cả nước phải chi thêm có lẽ cũng không ở 4 ngàn hay 8 ngàn mà còn có thể hơn cả 16 ngàn tỉ đồng.

Đây là con số “khủng khiếp”, nhất là với nền kinh tế Việt Nam hiện nay, khi nợ công đang tăng lên hàng ngày như lo ngại của ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cũng trong buổi thảo luận trên: “Chúng ta không thể không lo khi tính bình quân mỗi người dân Việt Nam đang phải gánh nợ ngày càng tăng”.

Trong khi đó, lộ trình tăng lương đang đứng trước nguy cơ “phá sản” bởi chiếc bánh ngân sách ngày càng eo hẹp, không biết xoay xỏa ở đâu ra.

Thế nhưng nguy cơ “lạm phát” cấp phó vẫn chưa có biểu hiện dừng lại bởi, như lời của Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Văn phòng Quốc hội là do cái qui trình tưởng nghiêm nhưng lại không nghiêm: “Quy trình của mình là quy trình tưởng chặt nhưng lại lỏng. Bởi, làm không khéo thì rất dễ xảy ra tiêu cực, được bổ nhiệm không phải người thực tài mà là nhờ "chạy”, "lốp bi” giỏi. Cán bộ mà dùng tiền để chạy chức thì người ta sẽ tìm cách kiếm lại khoản tiền đã mang đi "chạy” này”. Ông Thuận trả lời phỏng vấn báo Đại Đoàn kết ngày 13/4/2014.

Có lẽ tiêu biểu cho việc “tưởng chặt nhưng lại lỏng” này là việc nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền trước khi nghỉ hưu đã bổ nhiệm tới 60 cán bộ, trong đó chủ yếu là hàm vụ trưởng, vụ phó và cấp tương đương.

Tương tự, trước khi nghỉ hưu, ông Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao & Du lịch TP. HCM Nguyễn Thành Rum cũng ký quyết định bổ nhiệm cho 21 cán bộ lãnh đạo cấp phòng ban và tương đương thuộc Sở không đúng các quy trình, quy định.

Người xưa có câu “Đa quan thì… tàn dân”. Ngay tại kỳ họp này, đại biểu Trần Du Lịch đã nghẹn ngào thốt lên “Không dân nào đóng thuế nuôi nổi bộ máy này”.

“Lạm phát” cán bộ, không chỉ tốn phí ngân sách mà còn gây chồng chéo trong công việc và không loại trừ đùn đẩy trách nhiệm để rồi “cha chung không ai khóc”…

Có lẽ muốn loại bỏ 30% công chức cắp ô thì trước hết, hãy loại bỏ 30% cán bộ có quyền, có chức để không còn “lạm phát”.


Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ