Chủ Nhật, 2 tháng 11, 2014

Bắc Kinh 'trảm' người đi ngược chủ trương về Hồng Kông

Trần Trí (theo Wall Street Journal)/ Một thế giới
Ông Tien bị khai trừ khỏi Chính Hiệp
Việc ông James Tien Pei-chun người Hồng Kông (HK) bị tước quyền ủy viên Hội nghị Chính trị hiệp thương nhân dân Trung Quốc (Chính Hiệp), là minh chứng cho thấy Bắc Kinh “trảm” người đi ngược chủ trương.


Một ủy viên Chính Hiệp giấu tên đã  gởi e-mail cho báo Wall Street Journal (WSJ), nói những chỉ trích đặc khu trưởng Lương Chấn Anh đã khiến Tien bị khai trừ vì đi ngược chủ trương, với quy định: một ủy viên Chính Hiệp người HK thì phải hoàn toàn ủng hộ lãnh đạo đặc khu hành chính HK thuộc Trung Quốc (TQ).

Ủy viên này nêu: “Nếu tôi có ý kiến về đặc khu trưởng, tôi sẽ không công khai buộc tội, vì các quan điểm của chúng tôi đều bị báo cáo về trung ương”.

“Việc khai trừ ai đó vì đã nói gì đó sai về mặt chính trị đã tạo ra một tiền lệ nguy hiểm, nhất là cho một cơ quan tư vấn được cho là có quyền phản biện một chính sách nào đó của chính phủ TQ”, theo Willy Lam, một chuyên gia về chính trị cấp cao thuộc Trung tâm nghiên cứu TQ của đại học HK. 

“Nó sẽ bịt miệng các ủy viên, ngăn họ không dám lên tiếng phản biện vì sợ bị xem là thách thức Bắc Kinh”, ông Lam nói. 

“Chỉ giơ tay và vỗ tay”

Chính Hiệp lập năm 1949, gồm hơn 2.000 ủy viên là đảng viên Đảng Cộng sản TQ (CPC), đại diện các tổ chức xã hội và cộng đồng doanh nhân. 

Ban đầu là cơ quan quyền lực lớn nhất TQ, vai trò của Chính Hiệp bị giảm từ năm 1954, khi TQ lập Quốc vụ viện nhân dân (Quốc hội, NPC). 

Nhưng người chỉ trích nói cả Chính Hiệp lẫn NPC đều không có quyền lực, được lập chỉ để ủng hộ CPC. 

Họ nói đùa: NPC có nhiệm vụ giơ tay bỏ phiếu bất kỳ kế hoạch, chủ trương nào của đảng, còn CPPCC thì có nhiệm vụ vỗ tay hoan nghênh ủng hộ các đề xuất. 

Dù vậy, có suất Chính Hiệp là “ngon” vì vừa “có tiếng vừa có miếng”, từ cơ hội tiếp cận các doanh nhân có ảnh hưởng, các đảng viên cấp cao, cho đến những ưu ái nhỏ như được ưu tiên nhập cảnh, có chỗ đậu xe riêng…theo nhà nghiên cứu Lam, người nói đó là “phần thưởng cho sự trung thành với Bắc Kinh”. 

Người HK có 206 ủy viên Chính Hiệp (tỷ lệ 9%), theo Tuổi trẻ Bắc Kinh nhật báo (thuộc nhà nước TQ). Đoàn ủy viên này gồm các nhà tư sản, chính khách và nghệ sĩ. Henry Tang, người tranh chức bất thành với ông Lương hồi năm 2012, cũng là một ủy viên.
Bị "xử" vì không trung thành với ông Lương
Tien chào đời ở Thượng Hải (TQ), bị khai trừ khỏi Chính Hiệp (CPPCC) ngày 29.10, vì kêu gọi đặc khu trưởng Lương từ chức, do ông Lương không thể điều hành HK, khi phe phản đối đòi dân chủ suốt hơn một tháng qua khiến chuyện làm ăn bị xáo trộn, nhiều tuyến đường chính dẫn vào 3 khu hành chính - tài chính bị tắc nghẽn. 

Tien chấp nhận quyết định của Chính Hiệp và sẽ từ chức lãnh đạo đảng Tự do (thiên về ủng hộ làm ăn) và điều hành một công ty dệt may gia đình.

Ông nói: “Tôi chỉ nhớ mình trong vai trò nghị sĩ HK mà quên mất mình cũng là thành viên CPPCC. Hành động đó là không đúng mực”.

Nhưng Tien nhấn mạnh ông không rút lại lời chỉ trích đối với đặc khu trưởng Lương. Ông từng đòi ông Lương về tận Bắc Kinh để nộp đơn từ chức. 

Việc các nhà tư sản như Tien không ủng hộ ông Lương hoặc không tích cực phản đối cuộc phản đối đòi dân chủ  đã khiến Bắc Kinh cáu, vì TQ đã tuyên bố vẫn ủng hộ ông Lương. 

Tân Hoa Xã nêu Tien bị khai trừ vì “có những tuyên bố không chính đáng”, trong khi đài truyền hình trung ương CCTV nêu “Tien phớt lờ những lời khuyên, phát biểu không vì quyền lợi của đặc khu trưởng… và không thực hiện các chủ trương của chính phủ. Các hành vi của ông vi phạm các quy định của Chính Hiệp”. 

Em trai Tien là Michael Tien (cũng là một nghị sĩ và doanh nhân) cho rằng, Bắc Kinh đã trừng phạt anh trai ông, vì tội tỏ ra không trung thành với đặc khu trưởng Lương. 

Chính Hiệp (tương đương mặt trận tổ quốc) là một  trong những “câu lạc bộ uy tín nhất” TQ, nơi “các tài tử đàn đúm với những tỷ phú” và mọi ủy viên đều hy vọng tiếp cận, làm thân với các chính khách cấp cao, theo WSJ.

Thực tế thì đã có một số ủy viên Chính Hiệp bị khai trừ vì những lý do khác, như tham nhũng, có những hành vi vi phạm đạo đức, hoặc do thường xuyên vắng mặt ở các kỳ họp. 

Các ủy viên Chính Hiệp thường có nhiệm kỳ 5 năm, cũng có thể bị khai trừ nếu họ nhập quốc tịch nước khác, như nữ ngôi sao Củng Lợi bị khai trừ vì nhập tịch Singapore năm 2008.

Đầu năm nay, nữ ủy viên Chính Hiệp Liu Yingxia bị khai trừ mà không có lời giải thích nào. Giới truyền thông TQ từng mô tả Liu là ủy viên CPPCC xinh đẹp nhất, là một quý bà thành đạt, giàu có. 
Nguoi di nguoc chu truong
Người đẹp thành đạt Liu Yingxia bị khai trừ khỏi Chính Hiệp không lý do 

Theo Một thế giói

Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ